I. TƯ VẤN PHÁP LÝ VIỆC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA TẠI VIỆT NAM
I. Nhãn hiệu và cách phân biệt với thương hiệu
Theo khoản 16, điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì “Nhãn hiệu hàng hóa là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh quảng cáo, bên cạnh khái niệm “nhãn hiệu” thì người ta còn hay nhắc đến một khái niệm phổ biến khác đó là “thương hiệu”, hai khái niệm này nhiều khi được mọi người sử dụng một cách cảm tính với ý nghĩa có thể thay thế được cho nhau.
Thực chất, “Thương hiệu” là một thuật ngữ được tiếp cận từ góc độ quản trị tiếp thị doanh nghiệp, được hiểu là chỉ dẫn thương mại được bảo đảm bằng uy tín, chất lượng sản phẩm và được khách hàng tín nhiệm, là sự kỳ vọng của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ ấy.
“Thương hiệu” không chỉ bao gồm nhãn hiệu mà còn cả những yếu tố khác như tên thương mại, hoặc chỉ dẫn địa lý. Còn “Nhãn hiệu” là một khái niệm pháp lý dùng để chỉ những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau.
II. Những vấn đề pháp lý liên quan đến nhãn hiệu
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn do chưa biết đầy đủ những vấn đề liên quan đến đăng ký nhãn hiệu và làm sao để bảo vệ được quyền và lợi ích của mình một cách tốt nhất.
1.Đăng ký nhãn hiệu
a) Tại Việt Nam: Để đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu tại Việt Nam, doanh nghiệp cần phải nộp đơn đăng ký theo mẫu tại Cục Sở hữu trí tuệ cùng với 9 mẫu nhãn có kích thước nhỏ hơn 8x8cm, trường hợp thông qua đại diện thì phải có giấy uỷ quyền. Ngoài ra, có thể đăng ký bảo hộ thêm tại Cục Bản quyền để tránh trường hợp người khác đăng ký nhãn hiệu của mình tại Cục bản quyền để yêu cầu bảo hộ đối với tác phẩm “mỹ thuật ứng dụng”.
b) Đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài: Nhãn hiệu khi đăng ký thì chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ nơi nó đăng ký. Do đó, nếu muốn xuất khẩu hàng hoá hoặc hướng tới thị trường nước ngoài thì doanh nghiệp cần phải tiến hành đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu mình tại quốc gia đó. Do không hiểu được vấn đề trên nên nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ nghĩ đơn giản mình chỉ cần đăng ký tại Việt Nam, đến khi bị “mất” nhãn hiệu tại nước ngoài mới giật mình.
Đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài có thể được tiến hành bằng cách đăng ký trực tiếp tại nước đó; hoặc đăng ký quốc tế theo thoả ước Mađrít hoặc Nghị định thư Mađrít. Việc đăng ký nhãn hiệu có thể được tiến hành bởi chính tổ chức, cá nhân có nhãn hiệu cần đăng ký hoặc có thể thông qua một đại diện sở hữu trí tuệ. Thông thường, các công ty lớn thường tìm đến những công ty luật danh tiếng hoặc một đại diện sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp để có được sự tư vấn và giúp đỡ tốt nhất.
2. Những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc đang trong quá trình đăng ký
Giờ đây, khi nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ dần được nâng cao thì người ta quan tâm nhiều đến các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng liên quan đến “tài sản vô hình” của doanh nghiệp. Có thể liệt kê một vài các biện pháp như sau:
a)Phản đối cấp giấy chứng nhận đối với các đơn nộp sau: Khi đã nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, người đăng ký nhãn hiệu có quyền phản đối việc cấp giấy chứng nhận đối với các đơn đăng ký nhãn hiệu nộp sau đó nếu nhãn hiệu đăng ký sau trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký trước đó của mình.
Điều 74 khoản 2.e: “Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
b) Xin huỷ hiệu lực của văn bằng bảo hộ: Khi bị người khác đăng ký trước nhãn hiệu, có thể xin huỷ nhãn hiệu đó trên cơ sở 5 năm không sử dụng.
Điều 95 khoản 1 mục d Luật Sở hữu trí tuệ: “1. Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực”.
c) Yêu cầu xử lý hành chính hành vi vi phạm hoặc khởi kiện ra toà: Nếu phát hiện trên thị trường có hàng hoá có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu còn có thể yêu cầu các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an kinh tế … tiến hành tịch thu, tiêu huỷ và phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hoặc có thể khởi kiện ra toà.
d) Yêu cầu cơ quan hải quan kiểm soát và giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu để phát hiện và xử lý các lô hàng có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu.
3. Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng
Điều 74 khoản 2, mục g và i của Luật Sở hữu trí tuệ qui định:
*Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên.
*Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.
Trên thực tế, cũng có nhiều trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ đã từ chối cấp văn bằng bảo hộ đối với nhiều nhãn hiệu do trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng ngay cả khi nhãn hiệu đó được đăng ký cho các sản phẩm không trùng với các sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng, ví dụ như nhãn hiệu CATEX đăng ký cho các sản phẩm thuộc nhóm 9 bị từ chối bảo hộ do tương tự với nhãn hiệu dầu nhờn CALTEX thuộc nhóm 4.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể học hỏi những công ty lớn của nước ngoài trong việc bên cạnh đầu tư vào việc quảng bá thương hiệu cũng nên tiến hành phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ cho những nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đăng ký sau để bảo vệ quyền và lợi ích của mình một cách tốt nhất.
II. ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA? LỢI ÍCH TỪ VIỆC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA
1. Nhãn hiêu là gì?
- Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
- Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được, thể hiện đưới dạng từ ngữ, hình ảnh hoặc từ ngữ kết hợp với hình ảnh được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
- Nhãn hiệu được pháp luật coi là tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân.
2. Đăng ký nhãn hiệu là gì?
- Đăng ký nhãn hiệu là thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành với ý nghĩa thiết lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.
- Hình thức đăng ký nhãn hiệu là ghi nhận nhãn hiệu và chủ sở hữu vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu.
- Nhãn hiệu được đăng ký trên cơ sở kết quả xem xét đơn của người nộp đơn, căn cứ vào các quy định pháp luật về hình thức và nội dung đơn.
3. Ai có quyền đăng ký nhãn hiêu?
- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, thương mại;
- Các chủ thể sản xuất.
4. Người nộp đơn cần cân nhắc những gì trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiêu?
Nhãn hiêu sẽ bị từ chối nếu:
- Không có khả năng thực hiện chức năng phân biệt của nhãn hiệu;
- Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác có ngày ưu tiên sớm hơn hoặc nhãn hiệu nổi tiếng;
- Trùng hoặc tương tự với tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng, tên nhân vật, quyền tác giả của người khác đã được biết đến rộng rãi;
- Trùng với tên riêng, biểu tượng hình ảnh của quốc gia, địa phương, danh nhân, tổ chức của Việt Nam và nước ngoài (trừ trường hợp được phép của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền); Trùng hoặc tương tự với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng.
- Mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ hoặc gây hiểu sai lệch về nguồn gốc, tính năng, công dụng, giá trị, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ.
5. Nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ như thế nào?
– Nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ trên cơ sở thực tiễn sử dụng mà không cần thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ. Khi thực hiện quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ chứng minh quyền của mình bằng cách cung cấp chứng cứ khẳng định sự nổi tiếng của nhãn hiệu với cơ quan nhà nước liên quan
6. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được quy định như thế nào?
– Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực trong thời hạn 10 năm, có thể được gia hạn liên tiếp 10 năm môt lần, không giới hạn số lần;
7. Nhãn hiệu đăng ký được bảo hộ theo phạm vi lãnh thổ như thế nào?
– Nhãn hiệu được đăng ký tại quốc gia nào thì chỉ có hiệu lực bảo hộ tại quốc gia đó, nếu muốn bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia khác, người nộp đơn phải tiến hành các thủ tục nộp đơn tới quốc gia đó hoặc nộp đơn đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid