Chất lượng thực phẩm ảnh hưởng rất lớn tới danh tiếng và sự tồn tại của mọi nhà hàng. Nếu như có một sự cố ngộ độc hay rắc rối liên quan đến thực phẩm xảy ra tại nhà hàng của bạn thì chắc chắn thực khách sẽ không bao giờ quay trở lại lần thứ hai. Chính vì vậy hãy thắt chặt việc quản lý chất lượng thực phẩm trước khi quá muộn!
Vậy làm thế nào để kiểm soát chất lượng thực phẩm khi kinh doanh nhà hàng ? Hãy cùng chúng tôi đi tìm lời giải cho câu hỏi này ngay trong bài viết dưới đây.
Đào tạo nhân viên
Một nhà hàng tốt không chỉ phục vụ những món ăn ngon mà còn phải mang đến cho thực khách cảm giác yên tâm khi ăn tại quán. Sự đầu tư thông minh nhất sẽ là đào tạo nhân viên về kiến thức liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng thực phẩm để sau một khoảng thời gian đào tạo họ sẽ phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn.
Hãy dùng những sự việc đang diễn ra trong nhà hàng để làm dẫn chứng minh họa cho nhân viên, làm như thế nhân viên sẽ dễ dàng tiếp thu nhanh hơn.
Xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho nhà hàng
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho nhà hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý chất lượng thực phẩm. Để đủ điều kiện đi vào hoạt động thì nhà hàng phải đảm bảo các tiêu chí về cơ sở vật chất như bố trí bếp ăn theo nguyên tắc một chiều, chuỗi hệ thống thông gió, chuỗi hệ thống điện nước, kho chứa, về chất lượng nguyên liệu đầu vào và sức khỏe nhân viên. Bên cạnh đó, quản lý nhà hàng bắt buộc phải tham gia các lớp tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm để nắm vững và áp dụng các kiến thức này trong suốt quá trình vận hành nhà hàng.
Xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm không chỉ là tuân thủ đúng theo quy định của nhà nước mà đây còn là cách hạn chế các mối nguy hại từ ngoài vào trong thực phẩm, đảm bảo chất lượng phục vụ và sức khỏe cho thực khách đến ăn tại nhà hàng.
Tiếp nhận và lưu trữ thực phẩm đúng cách
Cần đảm bảo rằng thực phẩm được kiểm soát chất lượng chặt chẽ trước khi đưa vào trong nhà hàng. Khi nhập thực phẩm, bạn cần có nhân viên quản lý chất lượng thực phẩm để kiểm tra tất cả các lô hàng xem có bị hư hỏng hay không, chỉ có như vậy mới có thể cam đoan những nguyên liệu tốt nhất được nhập vào nhà hàng. Bạn cần chọn nhà cung ứng thực phẩm uy tín hoặc áp dụng mô hình kinh doanh nhà hàng “từ trang trại đến bàn ăn” để đảm bảo nguồn thực phẩm đầu vào luôn tươi ngon.
Sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng, những nguyên liệu này cần được bảo quản đúng cách tùy từng loại thực phẩm (cấp đông, làm mát hoặc để khô) để duy trì chất lượng cũng như tối đa hóa thời gian sử dụng của nguồn thực phẩm.
Đảm bảo sự nhất quán
Để có thể đạt được thành công, một nhà hàng cần phải luôn có sự nhất quán. Tất cả những nhà hàng thành công đều có một sự nhất quán tuyệt vời từ đầu tuần tới cuối tuần. Bởi nếu kích cỡ, mùi vị món ăn hoặc nhân viên nhà hàng thay đổi hàng ngày, khách hàng sẽ mất niềm tin và bắt đầu tìm đến những nhà hàng khác. Do đó, điều quan trọng là nhân viên cần căn chỉnh đồng đều tất cả các khẩu phần thức ăn trước khi đến tay thực khách.
Theo kinh nghiệm quản lý, rất nhiều chủ nhà hàng thường hay nhắc nhở các nhân viên phục vụ rằng hãy để tất cả các vấn đề lại phía sau khi bước vào cánh cửa nhà hàng, điều đó có nghĩa là họ tốt nhất không nên mang những vấn đề của cá nhân vào trong công việc để có thể bắt đầu làm việc một cách thoải mái và toàn tâm nhất, như vậy họ sẽ khiến cho các khách hàng cũng được thoải mái trong suốt thời gian thưởng thức bữa ăn tại nhà hàng.
Thuê một quản lý đảm bảo chất lượng thực phẩm (QA/QC)
Nếu nhà hàng của bạn có quy mô lớn và chuyên nghiệp thì bạn nên thuê một nhân viên riêng chuyên quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm. Công việc này đòi hỏi phải có chứng chỉ ngành công nghiệp thực phẩm ít ra 2 năm hoặc các lĩnh vực liên quan bởi vì họ phải thường xuyên giám sát chất lượng thực phẩm và chỉ dẫn cho các nhân viên khác cách xử lý thực phẩm đúng cách.
FOSI (Biên tập)