Ai cũng biết, thực phẩm chức năng (TPCN) là dùng để ăn. Nói một cách khoa học, TPCN là các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, tăng sinh lực, phòng chống bệnh tật, chứ không có tác dụng chữa bệnh. Vậy mà ở ta có những chuyện cười ra nước mắt chung quanh TPCN. Xin bạn đọc đừng cười to, đừng cười khặc khặc, về hai câu chuyện TPCN dưới đây
1. Chuyện “viên bảo dưỡng làm đẹp Khang mỹ đơn”. Chuyện này xảy ra vào tháng 12-2006, khi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cấp giấy phép cho lưu hành sản phẩm Khang mỹ đơn của Công ty Monjoin VN với “tư cách” là TPCN. Điều đó có nghĩa là sản phẩm này dùng để ăn. Trong khi đó tờ rơi quảng cáo cho nó ghi: “Khang mỹ đơn có tác dụng bổ sung các nội tiết tố, chống lão hóa, kéo dài tuổi mãn kinh, bài tiết các tạp chất bẩn, làm sạch âm đạo và tử cung… Cách dùng: Sản phẩm được đặt vào âm đạo” (sic). Như vậy những viên thuốc hình con nhộng này đích thị là TPCN, dùng để ăn? Vậy sao nó lại được hướng dẫn đặt vào… âm đạo!? Té ra “cái ấy” nó ăn được thuốc à!?
Sự kiện này làm nên những câu chuyện “tiếu lâm mặn” hết sức vui vẻ tại hội thảo về TPCN được tổ chức vào ngày 17-7-2007, có mặt nhiều tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ! Chưa hết, theo lời giới thiệu của các nhân viên Monjoin VN tại hội thảo này, kèm với việc cho âm đạo “ăn” Khang mỹ đơn, là viên đặt tinh dầu bảo dưỡng làm đẹp! “Loại tinh dầu này dùng để thoa bụng dưới chị em, ở vị trí hai bên hố chậu, tinh dầu sẽ thấm vào buồng trứng, có tác dụng tăng cường nội tiết tố, điều hòa hệ thống sinh dục phụ nữ…”(sic). Có nghĩa là viên tinh dầu này… làm đẹp bộ phận sinh dục, tăng cường hệ sinh dục cho phụ nữ! Các bác sĩ được nhiều phen cười lăn cười bò vì chuyện “cái ấy” mà ăn được thuốc! Ngay trong bài tham luận của vị tiến sĩ, PGS, cục trưởng Cục ATVSTP có nói đến 7 nhóm TPCN, nhưng tuyệt nhiên không có nhóm nào dùng để đặt vào âm đạo!
Tại sao có chuyện “tiếu lâm mặn mà” đến vậy? Một cán bộ của Cục ATVSTP giải thích: Cục đã nhanh chóng thu hồi loại TPCN này khi cho phép lưu hành 1 tháng. Sau đó, trước đề nghị của Công ty Monjoin VN, các cơ quan chức năng đã họp khẩn để xem xét Khang mỹ đơn là thuốc hay… thực phẩm. Cuối cùng, họ thống nhất giao cho Cục ATVSTP cấp giấp phép cho Khang mỹ đơn với “tư cách” là “sản phẩm bổ sung sức khoẻ”. Điều này cũng quá dễ hiểu, vì thuốc này dùng để đặt vào âm đạo, sao có thể gọi là TPCN mà có thể… ăn được!
2. Supai 99… tăng cường sinh lực cho… “thằng nhỏ”. Những tưởng trên lĩnh vực TPCN chỉ có thể xảy ra một chuyện “tiếu lâm mặn” về Khang mỹ đơn, nhưng bất ngờ mới đây lại xuất hiện thêm một câu chuyện nữa. Lần này liên quan đến “thằng nhỏ” chứ không phải “cái ấy” của phụ nữ! Supai 99 có tên họ đầy đủ là Supai 99 TonkatAli Plus, cũng có hình viên con nhộng (Ối giời ơi, làm sao “thằng nhỏ” gặm được cái thứ này nhỉ!), được Cục ATVSTP cấp phép lưu hành cũng với “tư cách” là TPCN, có tác dụng tăng cường sức khỏe, phục hồi sinh lực, tiêu trừ mệt mỏi do lao lực ở nam giới. Nhưng kỳ lạ thay, các đấng mày râu uống vào thấy rạo rực ham muốn, “thằng nhỏ” tự dưng căng cứng! Vậy là truyền tai nhau, Supai 99 bán chạy như tôm tươi. Trong toa thuốc lại ghi “Dùng cho người 12 tuổi trở lên, không dùng cho phụ nữ và trẻ em”! (Lại ối giời đất ơi, may mà thằng cu nhà tôi mới 10 tuổi, vốn vô cùng táy máy, chưa uống… trộm loại thuốc này!).
Vậy Supai 99 là cái chi mà đờn ông uống vào “căng cứng”? Xin thưa, các bác sĩ chỉ ra rằng Supai 99 có chứa chất Sildenafin, là chất có trong các loại thuốc trị bệnh rối loạn cương dương! Vậy tại sao nó được cấp phép lưu hành với “tư cách” là TPCN? Có trời mà biết, chỉ biết chắc chắn rằng không có “thằng nhỏ” nào… gặm nổi viên thuốc này!
Đúng là chuyện của TPCN thời kỹ thuật số. Có điều công tác quảng cáo cho hai sản phẩm trên chưa hiệu quả, bởi nếu hiệu quả thì cả nước ta sướng tưng rồi! Xin mách các nhà phân phối, nên mời ngay Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng đi mà làm quảng cáo, bởi tay này từng quảng cáo thuốc trị bệnh tiêm la bá cháy nhé!