Theo Bộ Y tế Việt Nam, thực phẩm chức năng là một dạng thực phẩm giúp hỗ trợ vấn đề dinh dưỡng đặc thù, hỗ trợ các chức năng có thể để có một sức khỏe dồi dào, phòng ngừa được bệnh tật hiệu quả. Tùy vào công thức và hàm lượng dinh dưỡng mà mỗi loại thực phẩm chức năng có công dụng khác nhau.
Có rất nhiều cách để phân loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên hiện nay, thông thường thực phẩm chức năng được phân loại chủ yếu dựa theo dạng sản phẩm. Việc phân loại này được chia làm 2 dạng: thực phẩm – thuốc (Food – Drug) và thức ăn – thuốc (thức ăn bổ dưỡng, món ăn thuốc, món ăn chữa bệnh…).
- Dạng thực phẩm – thuốc có dạng viên (viên nén, viên nhộng, viên sủi, viên hoàn…), dạng nước, dạng bột, dạng trà, dạng rượu, dạng cao, dạng kẹo, dạng thực phẩm cho mục đích đặc biệt.
- Dạng thức ăn – thuốc gồm: cháo thuốc, món ăn thuốc, món ăn bổ dưỡng, canh thuốc, nước uống thuốc…
Trong đó, thực phẩm chức năng dạng viên nén là dạng thực phẩm – thuốc chiếm tỉ lệ lớn trên thị trường. Loại sản phẩm này được ưa chuộng nhiều nhờ tính ổn định cao, kích thước nhỏ gọn, liều lượng chính xác, dễ sản xuất, bảo quản, vận chuyển, phân phối và sử dụng…

Thực phẩm chức năng dạng viên nén được sử dụng khá phổ biến hiện nay
Thực phẩm chức năng dạng viên nén
Thực phẩm chức năng dạng viên nén là thực phẩm- thuốc dạng rắn được điều chế bằng cách nén một hay nhiều loại dược chất, thường có hình trụ dẹt, hình oval hay hình tròn. Mỗi viên là một đơn vị liều. Có 2 loại viên nén: Viên nén trần và viên nén bao viên.
Quy trình sản xuất viên nén được mô tả chính thức vào năm 1843 bằng phát minh của Thomas Brockedon. Đến năm 1874 máy dập viên nén ra đời. Tuy vậy, việc sản xuất viên nén vẫn phát triển rất chậm. Đầu những năm 50, Higuchi và cộng sự đã nghiên cứu phương pháp đo lực dập viên, làm cơ sở để đi sâu nghiên cứu về viên nén. Tiếp đó là sự phát triển của SDH bào chế. Từ đó hàng loạt công trình nghiên cứu về viên nén đã ra đời.
Quy trình sản xuất thực phẩm chức năng dạng viên nén
- Bước 1: Nhận nguyên vật liệu vào kho
- Bước 2: Lấy mẫu kiểm nghiệm nguyên vật liệu
- Bước 3: Chuyển đã được kiểm nghiệm vào xưởng sản xuất
- Bước 4: Phối trộn TPCN
- Bước 5: Tạo hạt, sấy tầng sôi
- Bước 5: Dập viên – bao phim
- Bước 6: Ép vỉ, đóng lọ tùy theo quy cách đã đăng ký
- Bước 7: Đóng gói, bảo quản và phân phối
Xác định nguồn nguyên liệu cung cấp:
Nhiều công ty dành một khu trang trại thật lớn để trồng tất cả các loại thảo dược, vì các trang trại của các công ty không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân bón hóa học, dùng giun để làm mềm đất. Nhưng cũng có nhiều công ty thu mua các loại thảo dược từ châu Á, châu Âu, châu mỹ, chủ yếu từ Nam Mỹ,…Các loại thảo dược này được chia làm 2 nhóm, thảo dược tự nhiên và do con người gieo trồng.
Kiểm nghiệm nguyên liệu
Ngay sau khi nguyên liệu vào kho sẽ được lấy mẫu kiểm nghiệm theo các tiêu chuẩn đã thống nhất và công bố từ trước. Yêu cầu của bước này là 100% lô nguyên vật liệu đạt tiêu chuẩn. Nếu đạt, nguyên vật liệu mới được chuyển tiếp sang xưởng sản xuất. Nếu không đạt, quy trình sẽ dừng lại ngay.
Nguyên liệu được nghiền nhỏ và ướp lạnh, nhiệt độ trong quá trình nghiền là -196 độ C, để giữ lại các tính năng của thảo dược, đây là một trong những cách sản xuất vô trùng tốt nhất, bởi vì, ngay sau khi thảo dược được nghiền nhỏ, nó không còn là thảo dược mà là nguyên liệu sinh học và có sứ mệnh bồi bổ sức khỏe. Trong quá trình nghiền, nhà sản xuất cũng tách bỏ những chất có hại và bổ sung những chất có lợi cho sức khỏe con người.
Pha trộn TPCN
Viên nén thường là hỗn hợp của nhiều bột đơn. Khi trộn bột kép cần áp dụng kỹ thuật trộn đồng lượng để đảm bảo dược chất được phân phối đồng đều trong viên đặc biệt với các viên nén chứa hàm lượng dược chất thấp. Để hỗn hợp sau khi trộn đạt được sự đồng đều tốt nhất, tất cả các quá trình trộn đều phải được kiểm soát từ các yếu tố thuộc về thiết bị như thể tích làm việc, tốc độ quay, thời gian trộn đến các yếu tố về nguyên liệu trước khi trộn cũng cần phải được khống chế đó là kích thước tiểu phân, độ ẩm của bột,…
Tùy vào đặc tính của một số loại thảo dược bào chế ra TPCN có tác dụng định trước, thì sau khi pha trộn những hợp chất đó không thể để lâu mà phải được bảo quản trong điều kiện nhất định.
Tạo hạt
Mục đích của việc tạo hạt là tránh hiện tượng phân lớp của khối bột trong quá trình dập viên, cải thiện độ chảy của bột dập viên, tăng cường khả năng dính kết của bột làm cho viên đảm bảo độ chắc và giảm hiện tượng dính cối khi dập viên.
Có 3 phương pháp tạo hạt: tạo hạt ướt, tạo hạt khô và dập thẳng. Trong đó, phương pháp tạo hạt ướt là phương pháp thông dụng nhất hiện nay với ưu điểm: dễ bảo đảm độ bền cơ học của viên, dược chất dễ phân phối vào từng viên, quy trình và thiết bị đơn giản, dễ thực hiện.
Tạo hạt ướt có thể thực hiện bằng cách xát hạt qua rây hoặc bằng thiết bị tầng sôi. Để hạn chế tác động của ẩm và nhiệt, tiết kiệm mặt bằng sản xuất, hiện nay trong sản xuất công nghiệp, người ta thường tạo hạt bằng thiết bị tầng sôi.
Dập viên
Hạt sau khi sấy đến độ ẩm quy định sẽ tiến hành dập thành viên. Có nhiều loại máy dập viên khác nhau hoạt động theo nguyên tắc: Nén hỗn hợp bột hoặc hạt giữa hai chày trong một cối cố định. Chu kỳ dập viên trong máy tâm sai có thể chia thành 3 bước:
- Nạp nguyên liệu: Khi nạp dung tích buồng nén phải ở mức lớn nhất. Do đó, chày dưới phải ở vị trí thấp nhất, chày trên phải ở vị trí cao nhất phù hợp với dung tích buồng nén đã chọn. Phễu ở vị trí trung tâm và nạp đầy nguyên liệu vào buồng nén.
- Nén (dập viên): Phễu dịch ra khỏi trung tâm, chày dưới đứng yên, chày trên tiến dần xuống vị trí thấp nhất để đạt lực nén tối đa. Các tiểu phân được nén sát lại với nhau hình thành viên nén.
- Giải nén (đẩy viên ra khỏi cối): Sau khi nén xong, chày trên giải nén tiến về vị trí trước khi nén. Đồng thời chày dưới tiến lên vị trí cao nhất để đẩy viên ra khỏi cối. Phễu tiến về vị trí trung tâm để gạt viên ra khỏi mâm máy và tiếp tục nạp nguyên liệu cho chu kỳ sau.

Máy dập viên nén thực phẩm chức năng
Bao phim (bao màng mỏng)
Một số loại viên nén sau khi dập xong phải tiến hành bao viên với những mục đích khác nhau:
- Che dấu mùi vị khó chịu của dược chất.
- Tránh kích ứng của dược chất với niêm mạc dạ dày.
- Bảo vệ dược chất tránh tác động của các yếu tố ngoại môi như độ ẩm, ánh sáng, dịch vị…
- Làm tăng vẻ đẹp của viên
- …
Trên thực tế có hai cách bao viên: Bao đường và bao mỏng hay còn gọi là bao phim. Bao đường tốn thời gian, vỏ bao chiếm khối lượng lớn so với viên, kỹ thuật bao phụ thuộc vào kinh nghiệm. Do vậy, những năm gần đây người ta thường bao màng mỏng (bao phim).
Nguyên liệu tạo màng là các polyme, được hoà tan hay phân tán vào một dung môi hay môi trường phân tán thích hợp rồi phun vào viên. Sau khi sấy cho dung môi hay môi trường phân tán bay hơi hết, polyme sẽ bám thành màng mỏng xung quang viên. Tuỳ theo mục đích bao mà sử dụng các loại polyme khác nhau:
- Bao màng bảo vệ: Dùng polyme có khả năng chống ẩm, dễ tan trong dịch vị như HPMC, PEG 600…
- Bao màng tan ở ruột: Dùng các polyme kháng dịch vị và tan ở ruột như Eudragit L, S… Ngoài các polyme tạo màng, còn dùng thêm các chất làm dẻo để tăng độ dẻo dai, đàn hồi của màng như: PGE, glycerin…
Giai đoạn bao phim tại nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng được thực hiện trên hai thiết bị bao có thiết kế tương tự như nhau, nồi bao có đục lỗ và hoạt động với 3 súng phun. Quá trình bao phim dựa trên ba quá trình diễn ra đồng thời là phun dịch bao, đảo viên và sấy viên.

Máy bao phim tự động
Ép vỉ – đóng lọ
Một số sản phẩm dạng viên nén sẽ được đóng lọ (theo quy cách đã đăng ký) nhờ máy đóng lọ có khả năng đếm đúng số viên theo tiêu chuẩn vào mỗi lọ.

Máy đóng lọ viên nén
Một số sản phẩm dạng viên nén khác (theo quy cách đã đăng ký) sẽ được ép vỉ polyme – nhôm trên máy ép vỉ tự động, polymer thường dùng là PVC. Ưu điểm chính của PVC là trong suốt và có khả năng chống thấm khí, ẩm khá tốt, còn nhôm là vật liệu chống thấm khí và ẩm rất tốt, đồng thời màng nhôm lại dễ dàng bóc tách để sử dụng.

Máy ép vỉ
Điều kiện bảo quản
Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, TPCN được bảo quản trong điều kiện bình thường, yêu cầu: khô, thoáng, và nhiệt độ từ 15-25 độ C hoặc tuỳ vào từng điều kiện khí hậu, nhiệt độ có thể đạt mức 30 độ C.
Phải tránh ánh sáng trực tiếp, mùi từ bên ngoài xâm nhập vào. Nếu không có điều kiện bảo quản trên nhãn, thì phải bảo quản ở điều kiện bình thường với nhiệt độ 30độ C, độ ẩm không được lớn hơn 70%.
Ngoài ra, cần chú ý đến các điều kiện bảo quản đặc biệt theo trên nhãn như sau:
- Kho lạnh: Nhiệt độ không được > 8 độ C
- Tủ lạnh: Nhiệt độ từ 2-8 độ C.
- Kho đông lạnh: Nhiệt độ không được > – 10 độ C.
- Kho mát: Nhiệt độ từ 8-15 độ C.
- Kho nhiệt độ phòng: Nhiệt độ trong khoảng 15-25 độ C,tùy thuộc từng khoảng thời gian mà nhiệt độ có thể lên đến 30 độ C.
Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo quản thực phẩm chức năng phải tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại Điều 4 của Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2012 của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kho bảo quản thực phẩm chức năng phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ Y tế cấp phép.
Phân phối
Để được phân phối thực phẩm chức năng sản xuất trong nước, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này phải tiến hành công bố hợp quy đối với các quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền quy định. Trường hợp chưa có các quy chuẩn kỹ thuật liên quan thì doanh nghiệp kinh doanh TPCN phải tiến hành thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Nếu TPCN lần đầu tiên đưa ra thị trường hoặc có công dụng mới chưa được kiểm chứng, doanh nghiệp cần tiếp tục tiến hành thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm.
Ban biên tập FOSI